Các vương triều trên đất Thăng Long: Vương triều Lý (1009-1226)
4.5
5599
Lượt xem
4
Đã bán
Chọn sản phẩm
490.000₫
Thành tiền 490.000₫
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Hà Nội
Người dịch:
Năm XB:
2022
Loại sách:
Sách giấy;
Khổ sách:
16 x 24 (cm)
Số trang:
496
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
978-604-355-498-4
Mã ISBN Điện tử:

LỜI GIỚI THIỆU

Ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (21-11-1009), tại Kinh đô Hoa Lư, Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Lý. Chỉ chưa tròn 10 tháng sau, vào mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất (tức là trong khoảng từ ngày 13-8 đến 10-9 năm 1010) ông đích thân tổ chức dời đô từ thành Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La và đổi gọi là Thăng Long, mở ra một giai đoạn phát triển huy hoàng của lịch sử Việt Nam.

Vương triều Lý xưa nay luôn là niềm hứng khởi của nhiều nhà chép sử, nhiều công trình sử học Việt Nam. Cách đây hơn 70 năm, GS. Hoàng Xuân Hãn cho ra đời cuốn sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, được coi là công trình sử học kiệt xuất của thế kỷ XX. Ông kỳ vọng người đọc cuốn sách này sẽ nhận ra “cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và giữ gìn khoảnh đất gốc cội của Tổ quốc ta ngày nay” và sẽ thấy trong huyết quản mình “vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên”.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục đi sâu nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm, về nghệ thuật quân sự, ngoại giao của nhà Lý. Cũng có một số tác giả đã bắt đầu quan tâm đến văn học, nghệ thuật, văn hoá, tôn giáo, tình hình ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp Đại Việt giai đoạn từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII.

Vào những năm 1980, sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Hà Bắc (bây giờ là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) là địa phương đầu tiên triển khai các hội thảo khoa học, rồi đến thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác cũng lần lượt triển khai các kế hoạch nghiên cứu, các cuộc hội nghị, tọa đàm về Vương triều Lý.

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm kinh đô Thăng Long, thành phố Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học và xuất bản tập kỷ yếu Lý Công Uẩn và Vương triều Lý. Cuộc hội thảo cũng đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể cho các chương trình nghiên cứu hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến một bước tiến dài trong nghiên cứu và nhận thức về Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long. Những phát hiện khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu đã cung cấp một pho sử bằng hiện vật thật hết sức cụ thể và sinh động không chỉ về toà thành Thăng Long mà còn về Vương triều Lý. Những đề tài khoa học, dự án xuất bản sách và các chương trình hợp tác trong nước, quốc tế đã huy động được nhiều chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu và bước đầu tổng kết về giai đoạn lịch sử bản lề này. Hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm ngày Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế đã thực sự là một bước tiến dài trong nhận thức về Vương triều Lý.

***

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đi học cách đây hơn nửa thế kỷ. Lớp học của tôi là ngôi đình làng hoang tàn, tương truyền được xây trên nền một ngôi trường học nổi tiếng vào thời vua Lý Cao Tông. Thầy dạy đầu tiên của tôi là một người trong họ, chỉ bắt đầu bài giảng vào lúc trời xâm xẩm tối sau khi hoàn tất công việc ngoài đồng. Bên cạnh làng tôi, hình như làng nào cũng có những di tích và truyền thuyết về các vị danh tướng, danh nhân, công chúa và phò mã nhà Lý. Tôi không hiểu vì sao ở cái nơi thôn cùng, xóm vắng tận vùng cửa sông Thái Bình này mà ảnh hưởng của nhà Lý lại sâu đậm đến thế. Đến khi vào học Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được theo các Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê đi khảo sát quê hương nhà Lý, theo các Giáo sư Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm lên chiến tuyến sông Như Nguyệt, đi điền dã vùng châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) hay cặm cụi tìm kiếm những mẩu còn sót lại của tòa thành Thăng Long cổ kính..., tôi mới dần dần hiểu được giá trị của ngôi đình làng mình, cùng những bài học đầu đời của tôi.

Vào những năm 1980 tôi bắt đầu được tham gia các hội thảo khoa học về thời kỳ nhà Lý, học hỏi và triển khai một số đề tài nghiên cứu liên quan. Từ năm 2000 đến nay, tôi may mắn được tổ chức và chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học về Lý Công Uẩn và Vương triều Lý, về bối cảnh định đô Thăng Long, về quê hương nhà Lý, về 1000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long... Tôi trông đợi có một dịp nào đó được tập hợp lại tất cả những điều đã nghe, đã đọc và đã học về lịch sử một Vương triều mà tôi hằng ngưỡng mộ. Dịp may đã đến, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự động viên, tạo điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, sự hỗ trợ của Nhà xuất bản Hà Nội, lại được sự nhiệt tình tham gia của các đồng nghiệp trẻ tuổi ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tôi mới có đủ tự tin để bắt tay vào tổ chức cuốn sách Vương triều Lý (1009-1226)

***

Cuốn sách mà độc giả đang có trong tay không chỉ là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà sử học, mà có thể coi là sản phẩm tổng hợp của nhiều công trình khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của các nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước từ trước đến nay. Sách cố gắng giới thiệu một cách khách quan và toàn diện quá trình lịch sử Vương triều Lý từ buổi khởi dựng cho đến lúc suy vi, trong đó nhấn mạnh những hy sinh và cống hiến của Lý Thái Tổ, của triều đình và quân dân nhà Lý cho đất nước, cho nhân dân và cho Thăng Long mãi muôn đời.

Phần viết chính của tập thể tác giả bao gồm 4 chương, trong đó chương thứ nhất dành viết riêng về Lý Thái Tổ (1009-1028), từ nguồn gốc dòng họ, quê hương, quá trình vận động thành lập Vương triều, tổ chức triều đình, định đô Thăng Long cho đến những đánh giá về công lao, sự nghiệp của ông đối với Vương triều và đất nước. Chương thứ hai tập trung nói về thời kỳ hưng thịnh của Vương triều Lý với 5 đời vua: Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1128-1137), Lý Anh Tông (1137-1175). Cùng với Lý Thái Tổ 20 năm đầu sáng nghiệp, đây là thời kỳ rạng rỡ văn trị võ công, thời kỳ khắc đậm bản sắc Vương triều Lý. Chương thứ ba dành viết riêng về 50 năm cuối của Vương triều Lý (1176-1226) bao gồm 3 đời vua: Lý Cao Tông (1176-1210), Lý Huệ Tông (1210-1225), Lý Chiêu Hoàng (1225) là thời kỳ suy kiệt và sụp đổ của Vương triều với hàng loạt những sự kiện, những lý do chủ quan, khách quan. Lâu nay các nhà viết sử ít quan tâm đến giai đoạn lịch sử này, vì vậy trình bày của chúng tôi tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng có thêm những khắc họa mới. Sau khi trình bày toàn bộ diễn biến 216 năm của Vương triều, chúng tôi dành riêng một chương, chương bốn, để đưa ra các nhận xét đánh giá về Vương triều Lý trên các mặt tổ chức Vương triều, củng cố thống nhất quốc gia, kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, hoạt động ngoại giao nâng cao vị thế của đất nước, phát triển kinh tế, tạo dựng nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt.

Năm 2022, hơn 10 năm sau lần ra mắt đầu tiên, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp của Nhà xuất bản Hà Nội, chúng tôi rất vui mừng khi cuốn sách “Vương triều Lý (1009-1226)” lại được bổ sung, chỉnh lý và xuất bản đến với bạn đọc rộng rãi. Trong lần xuất bản này, chúng tôi đã cố gắng rà soát, làm rõ thêm một số tư liệu, thông tin, bổ sung trong điều kiện hết sức có thể để hoàn thiện thêm nguồn tư liệu trước đây. Mặc dù đã hết sức cố gắng, song cũng như lần xuất bản trước, chúng tôi vẫn mong muốn xem cuốn sách này là một công trình khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh. Rất mong nhận được sự chỉ giáo của bạn đọc.

GS.TS. NGUYỄN QUANG NGỌC

Bình luận

Tuyển tập hay nhất