Đền thờ Hai Bà Trưng và thành cổ Mê Linh

Đền thờ Hai Bà Trưng và thành cổ Mê Linh

Đền thờ Hai Bà Trưng

Địa chỉ: Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (2008) và Di tích Quốc gia đặc biệt (2013)

Hai Bà Trưng tức Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh ngày mồng 1 tháng Tám năm 14 sau Công nguyên tại thôn Cổ Lôi (nay là thôn Hạ Lôi), xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Cha là Lạc tướng huyện Mê Linh và mẹ là bà Man Thiện người làng Nam Nguyễn (Ba Vì, Hà Nội), là cháu chắt bên ngoại vua Hùng. Hai Bà có trí thông minh, giỏi võ nghệ, bản lĩnh hơn người. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết duyên với Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Trước ách cai trị của nhà Đông Hán, vợ chồng Trưng Trắc - Thi Sách chuẩn bị khởi nghĩa chống lại giặc Hán xâm lược. Thái thú Tô Định biết được kế hoạch khởi nghĩa đã giết Thi Sách. Thù chồng, nợ nước Trưng Trắc cùng Trưng Nhị quyết tâm khởi nghĩa vào khoảng tháng 3 năm 40. Khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc được tôn làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, Trưng Nhị được phong là Bình Khôi công chúa. Năm 43, nhà Hán cử Mã Viện dẫn quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trước thế giặc mạnh, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát để bảo toàn khí tiết. Cuộc kháng chiến thất bại. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hai Bà Trưng, nhân dân nhiều nơi đã lập đền, miếu thờ phụng. Tương truyền, vào đời vua Anh Tông (1138 - 1175), trời làm hạn hán. Hai Bà Trưng báo mộng, nhà vua làm lễ cầu đảo được mưa cho dân cày cấy được linh nghiệm. Vua cho lập đền thờ Hai Bà tại cố hương. Ban đầu, đền quay hướng tây nam (toạ cấn hướng khôn). Tương truyền vào thế kỷ XVII, quan Thượng Láng trên đường về kinh, qua đền không xuống voi, Hai Bà đã hiển linh đánh voi phủ phục. Quan Thượng Láng bèn bắt sửa đền quay về hướng tây bắc. Năm Tân Tỵ (1881), ông Nguyễn An Liên người Hạ Lôi làm Phủ uý An Lãng, thấy đền xoay hướng, dân tình bất an bèn cùng bô lão xoay trả hướng đền như cũ và phá bỏ 2 tả mạc để cho sân rộng rãi tiện việc tế rước. Cuối năm 1881, bão to làm đổ tam quan. Ông Bích người làng Hạ Lôi, hoạt động Cần Vương được Tôn Thất Thuyết mời vào Huế, đã lấy mẫu Ngọ Môn và xây lại tam quan, thường gọi là tác môn và trùng tu tiền tế. Năm 1934, Tri phủ An Lãng giao Chánh tổng đứng ra đốc xuất trùng tu trung điện, nên kiến trúc đền có nhiều thay đổi.

Giai đoạn 2002 - 2005 đền tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính, sơn son các cấu kiện gỗ của 3 toà, tu bổ toàn bộ nội thất đền, dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian đền, cải tạo hồ bán nguyệt và sân đền trước tiền tế, xây dựng hệ thống đền thờ phụ mẫu Hai Bà, đền thờ phụ mẫu ông Thi Sách, đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà, khôi phục lại thành ống, hộp thư bí mật… Từ năm 2005 đến năm 2010, xây dựng hệ thống các công trình phục vụ tham quan, du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến…

Đền được bố cục kiểu nội Đinh, ngoại Thất, gồm tam quan, trung điện, hậu cung, tiền tế. Đền còn lưu giữ các bộ kiệu rước từ thời Lê, hoành phi, câu đối, các tác phẩm điêu khắc thời Nguyễn như đôi rồng đá ở thềm trung điện, các bức cửa võng, khám thờ chạm long chầu nguyệt, phượng hàm thư, long phượng tòng vân, cúc sen hoá rồng, các loại hoa chanh, cúc, hổ phù…

Những năm 1943 - 1944, đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm nơi hội họp bí mật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945.

Lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Trong hội có lễ rước hội đồng, tức là rước kiệu ông Thi Sách, kiệu bà Trưng Trắc, kiệu bà Trưng Nhị về đình.

Thành cổ Mê Linh

Địa chỉ: Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Được xếp hạng di tích  lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt (2013).

Đây là di tích kiến trúc quân sự được hình thành cách ngày nay khoảng trên 2000 năm, tương truyền là nơi đóng đô của Trưng Nữ vương sau khi bà lên ngôi vua. Dấu vết của thành hiện còn đắp bằng đất luyện, hình con rắn uốn mình, chiều dài là 1.750m, chiều rộng (chỗ rộng nhất) là 500m, chỗ hẹp nhất 200m, bề dày khoảng 1 ngũ (bằng khoảng 2m bây giờ), cao 1 trượng (khoảng 4m). Bao ngoài bờ thành là quách dày 2 ngũ. Do có con đường Thông cù nên thành còn gọi là thành Ống. Vòng ngoài cùng là hào cắm chông tre, trong thành xây dựng cung điện. Ngoại thành đóng các đạo quân thủy bộ.

Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều rìu đá có niên đại cách ngày nay từ 2500 đến 3000 năm. Bên cạnh công cụ sản xuất, khảo cổ học đã phát hiện nhiều đồ trang sức chế tác tinh xảo.

                                                                                                                             Lê Ngân