15 lượt mua
Hotline khách sỉ:
094 2372211NXB | Nhà xuất bản Hà Nội | Người dịch: | |
Năm XB: | 2019 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 16 x 24 | Số trang: | 605 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 978-604-55-4761-8 | Mã ISBN Điện tử: | 978-604-355-071-9 |
Nói đến văn hiến Thăng Long, một trong những truyền thống mà chúng ta không thể không nhắc đến là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Đối với dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, tình cảm yêu nước không phải là một tình cảm tự nhiên, nó là một sản phẩm của lịch sử, được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Bởi vậy, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc đã ngấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của người dân Việt qua nhiều thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, cho dù chúng luôn vượt trội ta về nhiều mặt. Chúng ta thắng không chỉ ở lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu mà còn ở tinh thần thượng võ, lối sống khí phách và trên tất cả là chủ nghĩa anh hùng mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc. Sức mạnh văn hóa dân tộc Việt là điểm tựa, là mục tiêu, là động lực để’ nước ta trường tồn mãi mãi mà điểm hội tụ, kết tinh và tỏa sáng là Thăng Long - Hà Nội.
Những nội dung đề cập trên đều được thể hiện khá rõ nét trong cuốn sách “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” do cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà thơ Bằng Việt biên soạn. Với nguồn tư liệu phong phú cùng cách viết mạch lạc, khúc triết, cuốn sách đã tổng kết truyền thống thượng võ từ thời cổ đại đến nay, đồng thời phác họa mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. Ngoài Lời nhà xuất bản, Lời dẫn và Vĩ thanh, cuốn sách được bố cục với 4 phần, 16 chương:
Phần I: Truyền thống thượng võ Thăng Long - Hà Nội: Gồm 4 chương (từ chương 1 đến chương 4) nêu khái quát về nguồn gốc hình thành người Việt cổ, khát vọng độc lập, tự chủ qua nghìn năm Bắc thuộc, từ đó toát lên tinh thần thượng võ trong đời sống chiến đấu, trong văn hóa tín ngưỡng, nêu cao bản lĩnh, sức sống của người Việt cổ nói chung và người Hà Nội thời sơ sử nói riêng.
Phần II: Nền võ học cổ truyền trên đất Thăng Long - Hội tụ và lan tỏa: Phần này gồm 5 chương (từ chương 5 đến chương 9) viết về truyền thống võ học Việt Nam, một nền võ học trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử từ thuở sơ khai đến thời kỳ phát triển nở rộ có hệ thống, có lớp lang và môn phái rõ ràng.
Phấn III: Những võ công hiển hách từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX: Gồm 4 chương (từ chương 10 đến chương 13) nói về những chiến công oanh liệt của dân tộc ta thời trung đại.
Phấn IV: Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình: Gồm 3 chương (từ chương 14 đến chương 16) nêu cao truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khí phách Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.
Với vị thế trung tâm của mình, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị tinh hoa của dân tộc. Có những sự kiện, những nhân vật tưởng chừng không liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, nhưng nó lại là tiền đề, là cơ sở cho những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất ngàn năm. Những truyền thống ấy rất cần được kế thừa và phát huy, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay nhằm nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội, của dân tộc trong thời đại mới.
Bình luận